Hiểu đúng về Quy Y Tam Bảo
Chắc có lẽ trên cuộc đời này, dù bạn có mọi thứ từ tiền bạc, quyền tước, con cháu đông đảo…cho đến nhà cửa nguy nga, tráng lệ đến mấy thì vẫn luôn cảm thấy trống vắng, buồn chán và không bao giờ được thỏa mãn. Chính bởi trong lòng bạn luôn thường trực những cảm xúc tiêu cực chưa được chuyển hóa như: lo lắng, sợ hãi, thương nhớ, giận hờn,…chúng được biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài hay đã được kiềm nén ở bên trong; chúng vẫn còn ngự trị ở trong tâm nên bạn không thể có được sự tự do và an lạc thực sự. Bởi thế, bạn cần có một nơi nương tựa để vững lòng tin trên con đường thực tập sửa đổi bản thân. Và nơi bạn có thể trở về chính là nương tựa Tam bảo để học hỏi và thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn thì bạn mới có đời sống thực sự an vui và hạnh phúc
.
Quy y Tam bảo có nghĩa là bạn trở về nương tựa vào ba ngôi báu là Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Sangha). “Phật” là bậc đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt mọi khổ đau và giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Tình thương và sự hiểu biết của đức Phật rất lớn, Ngài có khả năng hóa độ cho tất cả mọi người “chuyển mê khai ngộ”, tạo dựng một đời sống an lành và hạnh phúc. “ Pháp” tức là lời dạy của đức Thế Tôn nói ra, đúng với chân lý cuộc sống; những lời chỉ dẫn này giúp bạn thấy rõ gốc rễ của mọi vấn đề và nhằm điều chỉnh nhận thức sai lầm của mình để trở thành một con người lương thiện, hữu ích cho xã hội. “ Tăng” là đoàn thể những người xuất gia bao gồm bốn người trở lên, chung sống với nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Các vị này có một nếp sống nhẹ nhàng, thanh thoát, chánh niệm và tỉnh thức. Sứ mạng của họ chính là tiếp nối sự nghiệp trí tuệ và từ bi của đức Phật và là sứ giả Như Lai truyền trao Chánh pháp cho chúng sanh bằng những kinh nghiệm thực chứng của bản thân.
Hành trạng của các vị ấy quả thật là cao quý, xứng đáng cho cả nhân loại này tôn kính và cúng dường, bởi không có Tăng Ni thì chúng ta sẽ không thể hiểu được lời dạy thâm sâu và quý báu của đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Có những người hiểu nhầm rằng, quy y Tăng là quy y với một vị thầy hay một sư cô nào đó, chứ còn các vị ở chùa khác thì không cần biết đến. Do nhận thức sai lầm như thế nên họ thiếu cơ duyên tiếp xúc với những vị thầy khác để được học hỏi đạo lý. Chúng ta phải hiểu rằng, Tăng là đoàn thể xuất gia từ bốn vị trở lên, chứ chỉ riêng cá nhân của một Tỷ-kheo thì không thể gọi là Tăng. Việc quy y Tam bảo là tùy vào nhân duyên, hoàn cảnh sống của mỗi người để có thể nương tựa và học hỏi với một vị thầy nào đó, nhưng không phải chỉ duy nhất quy y vị ấy. Mặc khác, quy y không phải là nhờ thầy đặt cho bạn pháp danh để rồi thỉnh thoảng bạn mới đến chùa lễ lạy hay cầu xin “ mua may bán đắt”,…Với hành động mê tín như thế, vô tình bạn đã tự tạo ra nghiệp xấu cho bản thân và ảnh hưởng không nhỏ đến những người muốn phát tâm quy hướng Tam bảo. Chúng ta đến với đạo Phật không phải là sự van xin, cầu nguyện mà đến để học cách sống như thế nào có được sự an vui và hạnh phúc thực sự. Vì vậy, khi bạn đã biết trở về nương tựa Tam bảo thì phải tìm hiểu giáo pháp cho tường tận, để từ đó bạn có cái nhìn đúng đắn, thấu suốt và áp dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Như vậy cho chúng ta thấy, Tam bảo chính là nơi an ổn, vững chắc và là đỉnh cao của hạnh phúc mà tất cả chúng sanh cần phải quy kính và nương tựa.